Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

Tương lai báo chí: báo chí công dân

 

Một trong những ý tưởng được đưa ra vào thời điểm ngành truyền thông khủng hoảng hiện nay này là đưa chính những người dân trở thành chủ bút cho những tin tức báo chí mà họ quan tâm.

Mọi người vẫn biết rằng quảng cáo là một nguồn thu quan trọng của báo chí, thậm chí với nhiều tờ báo, nguồn thu này còn lớn hơn cả lợi nhuận từ bán báo. Lí do chính dẫn tới việc doanh số báo in sụt giảm và nhiều tờ báo phải đóng cửa trong thời gian qua chính là việc kinh tế khó khăn kéo theo nhu cầu quảng cáo của các doanh nghiệp sụt xuống mức thấp chưa từng thấy, do đó nguồn lợi nhuận của báo chí hẳn nhiên sẽ giảm sút. Làm sao để báo chí vẫn tồn tại và độc lập hơn về tài chính trong khi vẫn bám sát ‘tính báo chí’ của mình là một câu hỏi khó đối với nhiều người. Spot.Us đã phần nào tìm ra hướng đi cho bài toán này.

Ý tưởng chính của Spot.Us được người sáng lập David Cohn trình bày là chính những người dân sẽ tự góp tiền để thuê một nhà báo điều tra và viết bài về một vấn đề họ quan tâm. Ví dụ nếu người dân có nghi ngờ về một doanh nghiệp trong vùng làm ăn phi pháp, họ sẽ cùng góp tiền, mỗi người 10, 20 đô la và thuê một nhà báo để viết bài về doanh nghiệp đó. Sản phẩm cuối cùng – bài báo sẽ trở thành tài sản chung của các ‘chủ bút’ – người dân. David Cohn cho rằng ý tưởng này sẽ cho phép tạo một đột biến là đưa người dân, những người trước nay chỉ là độc giả gián tiếp, nay sẽ là người trực tiếp tham gia vào công tác báo chí mà cụ thể là việc cung cấp kinh phí và đề tài. Đây là điểm khác biệt so với những ý tưởng tương tự trước đó về ‘báo chí công dân’ (citizen journalism).

Đi theo hướng tiếp cận này, người dân – những người sở hữu bài báo sẽ là người toàn quyền quyết định nhà báo nào sẽ được chọn lựa, phương án nào sẽ được thực thi để viết bài. Ở phía ngược lại, nhà báo cũng có quyền quyết định có thể nhận viết bài hay không. Ví dụ dự định quyên góp khoảng một ngàn đôla để viết bài báo, song người dân chỉ góp được một nửa số này, nhà báo hoàn toàn có thể từ chối hay tiếp tục công việc dù tiền thù lao không như dự định. Nếu anh ta từ chối, khoản tiền sẽ được hoàn trả cho mọi người.

Dù có những bước đột phá, song vẫn còn những điểm có thể gây băn khoăn đối với ý tưởng Spot.Us. Một trong số đó là việc liệu ai đó có thể thao túng nội dung bài báo khi họ quyên góp phần lớn số tiền và làm sao có thể quyết định trước số tiền cần thiết gây quĩ để thực hiện một bài báo. Theo David Cohn, vì bài báo sẽ thuộc về một nhóm cộng đồng dân chúng, do đó sẽ có hạn chế về khoản tiền quyên góp để đảm bảo sự công bằng và tránh tình trạng thao túng bài báo bằng tài chính. Ngoài ra, Spot.Us thực hiện việc phân chia các dạng bài viết theo thể loại và tính chất sự việc với những yêu cầu cụ thể, dựa vào đó mọi người có thể ước lượng khoản tiền cần đóng góp để thuê nhà báo thực hiện bài viết.

Ý tưởng Spot.Us của David Cohn thực sự đã coi báo chí như một quá trình chứ không đơn giản chỉ là những sản phẩm – bài báo riêng lẻ. Ngay cả khi bài báo đã được hoàn thành và gửi lại cho ‘chủ bút’ – những người đã tham gia quyên góp tiền thực hiện, nó vẫn chưa hẳn đã được coi là hoàn tất. Bài báo đó vẫn có thể tiếp tục tham gia vào những tờ báo khác - những tờ báo thực sự, tuy nhiên khi muốn được sử dụng lại, các tòa báo phải hoàn trả lại số tiền đã được những người dân bỏ ra quyên góp.

Ý tưởng của Spot.Us rất sáng tạo nhưng khi áp dụng vào những cơ quan truyền thông lớn thì liệu nó có thực tế không. David Cohn cho rằng nếu chúng ta xem xét nguồn thu từ việc gây quỹ từ người dân tại Mỹ vào năm 2006 lên tới 300 tỷ đô la Mỹ thì đây là một con số rất lớn. Thêm vào đó, 75% của số đó, nghĩa là 228 tỷ được thu từ các đóng góp nhỏ của các cá nhân chỉ với 10 đến 20 đô la. Những khoản như vậy được phục vụ cho các mục đích từ thiện và dành cho cộng đồng. Theo ông, báo chí cũng là một hoạt động phục vụ cho lợi ích cộng đồng và nó có mục đích tốt đẹp. Vì vậy, truyền thông cũng đáng để cho mọi người gây quỹ đóng góp. Báo chí trước đây không yêu cầu sự ủng hộ về tài chính của người dân vì mô hình chuyển giao thông tin có tính một chiều và họ có thể tự nuôi các tờ báo bằng quảng cáo. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi và nếu như chúng ta có thể kêu gọi người dân bỏ ra chỉ cần 2% của 228 tỷ đô la thôi cũng là một khoản rất lớn đủ để đầu tư cho những phóng sự điều tra quan trọng có thể đã không được tìm hiểu và đưa tin vì thiếu kinh phí.

Hiện tại, ý tưởng của Spot.Us và David Cohn mới chỉ bắt đầu những bước đầu tiên và thực hiện trong phạm vi hẹp, song nó phần nào đã thể hiện được những ưu điểm của mình, đặc biệt là sự đột phá trong việc đưa người dân tham gia trực tiếp và đóng vai trò quyết định trong quá trình sản xuất báo chí. Trong tương lai gần, rõ ràng quảng cáo vẫn còn có mối quan hệ chặt chẽ với báo chí nói chung, song để dần thoát ra khỏi sự ràng buộc này, một ý tưởng như Spot.Us cho tương lai của truyền thông và báo chí quả là một sự chú ý đáng khích lệ.

1 nhận xét:

Moon Sun nói...

Ý kiến này cũng hay để phát huy tính dân chủ, những người dân có thể nói lên ý kiến nguyện vọng của mình, nhưng trong việc này có một số người lợi dụng để tung tin xuyên tạc nói xấu Đảng, nhà nước, chia sẽ đoàn kết dân tộc. Nhiều khi có nhiều tin không rõ trắng đen khiến đọc giả không thể biết được ai đúng ai sai. Nói chung cái gì cũng có mặt trái của nó, cần phải cẩn thận.

lúc 01:31 27 tháng 1, 2014

Đăng nhận xét