Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư có cần là luật sư?


05:24' 09/04/2009 (GMT+7)

- Trước thềm Đại hội đại biểu luật sư lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội tháng 5 tới, VietNamNet ghi nhận ý kiến về việc thành lập Liên đoàn Luật sư toàn quốc.

Bầu cử dân chủ

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (trái): Chủ tịch Liên đoàn phải được bầu trực tiếp. Ảnh: LN

Theo Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, kỳ đại hội này sẽ bầu ra một ban lãnh đạo gồm Hội đồng Luật sư toàn quốc với 91 thành viên, bầu ra ban thường vụ và các vị trí chủ chốt như Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư, Tổng thư ký...

"Đây là một tổ chức nghề nghiệp nên quá trình bầu cử phải dân chủ. Chủ tịch Liên đoàn phải do tất cả các đại biểu bỏ phiếu bầu. Thực tế lại không được như vậy", ông Nguyễn Đăng Trừng phản ánh.

Theo dự kiến, 61 chủ nhiệm các đoàn luật sư trên toàn quốc đương nhiên đều là ủy viên hội đồng, sau đó sẽ bầu thêm 30 thành viên. Từ 91 thành viên này, sẽ tiếp tục bầu ra Ban thường vụ với các Chủ tịch và Phó Chủ tịch Liên đoàn. Trong khi đó, theo ông Trừng, nhiều luật sư kiến nghị, ít nhất vị chủ tịch phải được bầu trực tiếp để đảm bảo tính dân chủ.

Ông Trừng cũng phân vân về tiêu chuẩn trở thành Chủ tịch Liên đoàn Luật sư.

Theo dự thảo điều lệ Liên đoàn, Chủ tịch Liên đoàn phải là người có tư cách đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng tập hợp, quy tụ và kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp.

Tổng thư ký Đoàn Luật sư Thụy Điển Anne Ramberg: Chúng tôi không có quy định rõ về tiêu chuẩn lãnh đạo nhưng thường phải là luật sư có kinh nghiệm cao, có danh tiếng. Trước khi ngồi ở vị trí Tổng thư ký, tôi đã hành nghề trong hãng luật 23 năm.

Tổng thư ký Đoàn Luật sư và Cộng đồng Luật Đan Mạch Henrik Rothe: Tôi không là luật sư khi tôi đảm nhận vị trí Tổng thư ký nhưng tôi từng là thẩm phán. Riêng vị trí Chủ tịch Đoàn Luật sư thì chắc chắn phải là luật sư.

Trao đổi với báo chí gần đây, TS Phạm Hồng Hải, ủy viên Hội đồng lâm thời cho hay, Chủ tịch Liên đoàn không nhất thiết phải là người đã hành nghề luật sư mà chỉ cần am hiểu về nghề này.

Tuy nhiên, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, TS Trần Đình Triển băn khoăn: "Ngay điều lệ Đoàn Luật sư Hà Nội cũng như nhiều đoàn luật sư khác cũng quy định để tham gia vào Ban chấp hành, ít nhất phải có 3 năm hành nghề luật sư".

Ông Nguyễn Đăng Trừng cũng cho rằng, để đại diện cho một tổ chức có tính chất trí tuệ và chuyên sâu như vậy thì Chủ tịch Liên đoàn ít nhất phải có kinh nghiệm 5 năm trong nghề.

"Như cách đang làm sẽ không nhận được sự tín nhiệm của giới luật sư, khó lòng nói tới việc kết nối giữa các đoàn luật sư trong cả nước và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho luật sư trong quá trình hành nghề", ông Trừng tiên liệu.

Liên đoàn nên làm gì?

"Sự ra đời của Liên đoàn Luật sư phải nhằm nâng cao vai trò hiệu lực của giới luật sư, tập hợp, đoàn kết tất cả các thành viên, thực hiện nghiêm đường lối của Đảng, Nhà nước. Liên đoàn phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, tư vấn các đường lối chính sách cho Nhà nước về hoạt động nghề nghiệp của luật sư", ông Trần Đình Triển kỳ vọng.

Theo ông, tuy hiện nay đã có Luật Luật sư nhưng thực quyền của luật sư trong quá trình giải quyết tranh chấp, thu thập tài liệu chứng cứ và yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp tài liệu vẫn còn đang "rất yếu" và "mù mờ".

Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, TS Trần Đình Triển. Ảnh: LN
Cho rằng dự thảo quy về hoạt động của liên đoàn không nên đi quá chi tiết về quyền, nghĩa vụ của luật sư, ông Triển đề đạt Liên đoàn Luật sư phải tập trung làm tốt việc nâng cao vị thế và vai trò của luật sư, để thực hiện nghiêm minh pháp luật, giải quyết oan sai, chống tham nhũng.

"Trong khi đó, bản dự thảo lại thiên về quản lý luật sư, với những quy định đã có trong Luật Luật sư", ông Triển giải thích.

Trưởng Văn phòng Vì Dân cho hay, trong lúc quyền hạn và điều kiện hành nghề chưa được bảo đảm, giới luật sư phải chịu áp lực chồng chất như chấp hành điều lệ Đoàn Luật sư nơi hành nghề và sắp tới là điều lệ Liên đoàn. Nếu lập văn phòng, sẽ phải chấp hành theo Luật Doanh nghiệp cũng như các nghĩa vụ về thuế khóa và đăng ký kinh doanh.

Luật sư Trần Đình Triển nhận định đây vẫn là lối tư duy ban hành luật theo hướng tạo thuận lợi cho quản lý.

"Chúng ta nặng về gò ép, ban hành nhiều văn bản để gò chứ không phải để hoàn thiện và tạo điều kiện cho hoạt động. Tư duy gò càng nhiều càng tốt khiến hạn chế tính sáng tạo", ông Triển nói.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét